Share
Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, “Uống nước nhớ nguồn”
Question
Lost your password? Please enter your email address. You will receive a link and will create a new password via email.
Answers ( )
Có công mà sắt,có ngày nên kim
Thật đúng đắn khi nói rằng những câu ca dao và tục ngữ của ông cha ta truyền miệng bấy lâu nay đã có những đóng góp to lớn, làm nên những tinh hoa trong nền văn học dân gian Việt Nam. Đó chính là những bài học kinh nghiệm sâu sắc, những đúc kết quý báu từ trong chính cuộc sống lao động vất vả thường ngày của người dân lao động đưa vào ca dao, vào tục ngữ cho có nhịp có vần, cho dễ nhớ, bởi hiếm ai có thời gian mà ghi chép lại. Từ thuở ấu thơ ta đã nghe bà nghe mẹ bao lần đọc ca dao, tục ngữ, cho ta những bài học đường đời đầu tiên thật sâu sắc. Và trong số đó tôi thích nhất câu tục ngữ: “Có công mài sắt có ngày nên kim”, mà mẹ cứ dạy tôi mãi khi tôi còn tập viết.
Suốt cả câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, là hình ảnh tả thực khá thú vị. Không biết các bạn liệu còn nhớ không, trong chương trình bậc tiểu học chúng ta đã từng học qua một câu chuyện về câu tục ngữ này. Người bà cầm cục sắt vừa thô vừa to đem mài vào hòn đá, người cháu thấy lạ nên hỏi, bà bảo chỉ cần kiên trì thì đá cũng thành kim khâu. Nhưng rõ ràng điều ấy là rất khó khăn, liệu phải bỏ ra bao nhiêu công sức thì cục sắt mới có thể thành một cái kim nhỏ xíu, luồn vừa sợi chỉ. Câu trả lời chính là cần rất nhiều thời gian, cần rất nhiều kiên nhẫn và người làm việc ấy hẳn là một người thực sự kiên trì và bền bỉ.
Như vậy thông qua hình ảnh tả thực đầy kỳ lạ, nhưng cũng dễ hình dung ta đã có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ. Điều chính yếu ở đây, không phải là khuyên con người ta cứ cầm cục sắt đi mài để thành kim, không ai làm như vậy cả. Mà thực chất câu nói nhằm hướng tới tầng nghĩa bóng, nói về lòng kiên trì của con người, đặc biệt khi làm một công việc cần sự tỉ mỉ thì lại càng phải biết kiên nhẫn chờ đợi kết quả, không được nóng vội. Thêm vào đó thành quả cái kim nhằm nhấn mạnh ý nghĩa chỉ cần con người có đủ kiên trì thì thử thách nào cũng sẽ vượt qua, khó khăn nào cũng chẳng thể làm ta lui bước.
Chính là như vậy, từ sắt thô mà còn thành được chiếc kim bóng loáng thì liệu có chuyện gì mà không thể hoàn thành? Nhưng ngược lại, các bạn đã thấy ai không có lòng kiên trì mà hoàn thành được công việc của mình một cách tốt nhất hay chưa? Riêng tôi, tôi khẳng định rằng, người không hiểu chữ “nhẫn” thì chẳng bao giờ làm được việc gì lớn cả. Chỉ lấy ví dụ rất đơn giản, đứa em trai của tôi đang học lớp 2 và chữ nó thì không thể gọi là đẹp được, lý do là vì hồi nhỏ nó rất lười nhác, chẳng bao giờ nó kiên nhẫn ngồi viết hết bài tập viết mà mẹ tôi giao cả. Thế đấy, các bạn xem chỉ cần nhẫn nại như Cao Bá Quát thôi, vốn ông là người có chữ viết xấu nổi danh “chữ như gà bới”, vậy mà kiên trì tập luyện lại trở thành người viết chữ đẹp nổi tiếng cả vùng, được người đời truyền tụng đến bây giờ.
Câu tục ngữ với hình ảnh thực dân dã, dễ hiểu, nhưng lại bao hàm những ý nghĩa lớn, thể hiện được cái tinh hoa trong văn học Việt Nam. Đó là lời dạy thực sự bổ ích cho mỗi con người, mỗi tập thể và cả xã hội. Nhìn lại hơn 4000 năm văn hiến lịch sử, nhân dân ta đã từng nhẫn nhịn, từng kiên trì biết bao để chống lại bè lũ quân xâm lược phương Bắc rồi phương Tây. Để ngày hôm nay chúng ta có một cuộc sống an bình, tự do đến nhường này, đó chính là thành quả của sự nhẫn nại trong công cuộc cách mạng. Vậy nếu ngược lại, người không có sự kiên trì, bền bỉ thì họ sẽ ra sao? Trong Hán văn có một chữ gọi là chữ “nhẫn”, bao gồm bộ “đao” đứng bên trên bộ “tâm”, nói vui là nếu không nhẫn thì dao cứa vào tim, đau phải biết. Âu đây cũng là một ý vị sâu xa của người sáng tạo ra chữ, một chữ là cả bài học. Nếu không nhẫn nại thì chỉ “lợi bất cập hại”, ta sẽ chẳng làm được việc gì thành công, rồi ta cứ mãi chìm trong thất bại, chán nản kéo dài.
Vậy suy ra muốn thành công thì việc đầu tiên chúng ta cần phải học chính là sự kiên trì, nhẫn nại, chúng ta nhẫn nại hơn người khác thì chúng ta đã gần với thành công hơn một bước rồi đấy các bạn ạ. Với lứa tuổi học sinh, chúng ta cần học tập với một tinh thần bền bỉ, kiên trì, bài tập toán giải một giờ không ra thì làm hai ba giờ, hai ba ngày cho đến khi ra mới thôi. Chữ xấu quá thì cố dành thời gian ngồi luyện viết, bớt chơi game, bớt đọc truyện một chút thôi thì thành quả ta nhận được hẳn sẽ không khiến bạn phải hối hận về sau. Các bạn thấy đấy chẳng có học sinh giỏi nào mà không phải dành thời gian giải bài tập, đọc sách cả, mấu chốt là họ kiên trì hơn chúng ta rất nhiều, rất nhiều lần và khẳng định rằng nếu bạn kiên trì như họ bạn thậm chí còn đạt nhiều kết quả bất ngờ hơn thế nữa. Tin tôi đi!
Câu tục ngữ: “Có công mài sắt có ngày nên kim” quả thực là một bài học ý nghĩa và sâu sắc cho mỗi con người, đặc biệt là với lứa tuổi học sinh như chúng ta. Chúng ta cần học hỏi thật nhiều thêm nữa từ kho tàng văn học dân gian, nơi có rất nhiều những bìa học tâm đắc và bổ ích. Đồng thời ta cũng cần có ý thức giữ gìn và duy trì những tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam, đẻ nó ngày càng được lưu truyền và phát triển rộng rãi hơn trong mọi tầng lớp nhân dân.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ông cha ta có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” để nhắc nhở con cháu phải giữ gìn truyền thống quý giá của dân tộc.
Về nghĩa đen, đầu tiên cần hiểu “quả” là một sản phẩm của cây, có được nhờ sự chăm sóc của người nông dân. “Kẻ trồng cây” là người đã vun trồng, chăm bón cho cây ấy tốt tươi, tạo được hoa thơm, quả ngọt. Đó chính là người đã tạo ra các thành quả lao động, đem đến sự hữu ích cho cuộc sống này. Hành động “ăn” là đón nhận, là hưởng thụ, quả là kết quả, thành quả tốt đẹp có ích ở đời. Khi ta ăn một trái cây nào đó thì ta phải nhớ đến người trồng cây tạo quả. Người ăn quả là người đón nhận thành quả tốt đẹp đó. Câu tục ngữ khuyên ta khi thụ hưởng hay đón nhận được thành quả lao động của người khác làm cuộc sống ta tốt đẹp hơn, làm cho ta hạnh phúc thì phải biết ơn người đem lại thành quả ấy, hạnh phúc ấy cho mình.
Trong cuộc sống, những thành quả có được là nhờ sức lao động bền bỉ của con người. Như hoa thơm, quả ngọt trên cành, dẫu có tự nhiên nhưng thơm ngọt là nhờ có sự vun xới của con người. Người trồng cây là người gieo giống vun trồng đổ mồ hôi công sức để cây ra hoa kết trái. Không có người trồng cây thì không có cây xanh, không có trái ngọt. Từ trồng cây đến khi cây có trái là một quá trình lâu dài đầy vất vả, gian nan của người trồng cây. Vì vậy khi được ăn quả thì người ăn quả không thể không nhớ người trồng cây.
Vậy nên những người ăn quả là người hưởng thụ, được sử dụng thành quả do người khác tạo ra thành quả mang lại mà bản thân họ không phải tốn công sức thì khi sử dụng các thành quả đó, ta không thể không nhớ ơn người đã làm ra thành quả cho ta hưởng. Biết ơn người đã cho ta điều tốt đẹp là lối sống phù hợp với đạo lý làm người của dân tộc. Ngược lại khi được hưởng thành quả lao động hay có được hạnh phúc do người khác đem lại mà ta không biết đến sự đền ơn đáp nghĩa là trái đạo lí, trở thành kẻ vô ơn, bạc nghĩa nhất định phải lên án.
Chúng ta cần có những hành động cụ thể để bộc lộ lòng biết ơn. Trước hết phải biết kính trọng và biết ơn những người đã tạo ra thành quả cho ta hưởng thụ. Đồng thời phải quý trọng sức lao động của con người. Không phung phí, làm tổn hại, thất thoát những giá trị lao động của bản thân và của người khác. Học cách quý trọng các thành quả mình được hưởng, đồng thời phải phát huy hiệu quả của các thành quả đó trong quá trình sử dụng. Ngoài việc biết hưởng thụ ra ta còn phải biết giữ gìn và bảo vệ thành quả đó sao cho xứng đáng là người kế tục và cũng có trách nhiệm gieo giống vun trồng cây cho các thế hệ mai sau. Đồng thời, chúng ta cần quyết liệt phê phán những thái độ sai trái vô ơn, bạc nghĩa, sử dụng lãng phí hay phá hoại thành quả có ích và coi thường những người có công với nhân dân, với tổ quốc.
Như vậy “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một bài học đạo đức sâu sắc, một lời khuyên chân thành có tính giáo dục cao đối với mọi thế hệ.
Uống nước nhớ nguồn
Nhân dân ta từ xưa đến nay luôn giữ gìn và phát huy được nhiều truyền thống tốt đẹp. Nổi bật trong số đó là tình cảm ân nghĩa, luôn biết ơn và kính trọng cội nguồn, tổ tiên. Tiêu biểu cho truyền thống đó là câu tục ngữ mà ông cha ta đã đúc kết để giảng dạy cho con cháu đời sau “Uống nước nhớ nguồn”.
Trước tiên ta đi tìm hiểu xem ý nghĩa của câu tục ngữ mà ông cha đã để lại cho chúng ta là gì. “Uống nước” là công việc hàng ngày mà chúng ta làm, nó vừa giải khát vừa là nguồn sống, con người không thể sống mà thiếu nước. Còn “nguồn” ở đây chính là nguồn nước, là nơi nước từ đó chảy ra. Câu tục ngữ tuy ngắn gọn nhưng lại hàm chứa rất nhiều ý nghĩa sâu xa. Qua đây, ông cha ta muốn nhắn nhủ rằng là con người hãy biết trân trọng, biết ơn, nhớ đến những người đã giúp đỡ, răn dạy mình chứ đừng đến lúc thành công thì lại phủ nhận công lao của người khác.
Cho đến tận ngày nay thì câu tục ngữ vẫn mang giá trị đúng đắn sâu sắc. Ngay ở mối quan hệ khăng khít giữa “nguồn” và “nước” đã nói lên điều đó. Bất kì giọt nước nào cũng đều phải có nguồn cội của mình, cũng như con người có ông cha, tổ tiên. Là con cháu đời sau thì phải luôn biết kính trọng, quý mến và biết ơn đến những người có công sinh thành, nuôi nấng mình. Một con người dù có tài giỏi đến mấy thì khi mới sinh ra đều yếu ớt và chưa biết gì. Những lúc đó, cha mẹ và ông bà là những người bên cạnh, dạy dỗ ta học những bài học đầu đời. Suy rộng ra phạm vi của một gia đình, người có công lớn nhất giúp chúng ta thành tài đó chính là thầy cô – những người lái đò cần mẫn đưa học sinh đến với bến bờ của tri thức. Từ giáo viên mầm non cho đến giảng viên đại học, bất kỳ ai làm thầy, làm cô đều muốn những thứ tốt đẹp nhất đến với học trò của mình. Họ dùng cả tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu nghề để giảng dạy cho học trò những kiến thức hay nhất, bổ ích nhất. Không một ai có thể tự học, tự thành công mà không học bất cứ thầy cô nào. Dù có thông minh và tài năng đến mấy mà thiếu đi sự dìu dắt, chỉ bảo của những người đi trước thì cũng không thể lên sự nghiệp.
Ở phạm vi cả dân tộc ta mới thấy tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” luôn được nhân dân ta giữ gìn và phát huy một cách mạnh mẽ. Để có được một cuộc sống hòa bình và ấm no như ngày hôm nay thì quân đội ta đã phải hy sinh rất nhiều, trong đó có cả ông cha, người thân của ta. Và để chứng minh dân tộc Việt Nam là một dân tộc luôn biết ơn những thế hệ đi trước thì chúng ta luôn có những ngày, những dịp kỷ niệm để bày tỏ tình cảm đối với những người quan trọng. Đó chính là ngày Tết “ mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, hay ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, ngày Thương binh, liệt sĩ 27 tháng 7… Không những thế, nhà nước ta còn có nhiều chính sách cho các anh hùng có công với Cách mạng, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng các tượng đài, nghĩa trang khắp cả nước để tưởng nhớ đến những bậc đã có công dựng nước và giữ nước.
Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” là một bài học mà ông cha ta đã khéo léo gửi gắm để răn dạy con cháu đời sau phải biết sống nghĩa tình, biết kính trọng, yêu quý và biết ơn những người đã có công giúp đỡ và nuôi dạy mình. Dù cho xã hội có phát triển đến đâu thì câu tục ngữ vẫn sẽ mang một giá trị đúng đắn và với tư cách là con cháu đời sau, mỗi người trong chúng ta phải tự ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để đền đáp công ơn của những bậc sinh thành.
CHÚC BẠN HỌC TỐT
#BAONGOCKEYS
Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”
Ông cha ta ngày trước thật tài tình khi đúc kết những kinh nghiệm vốn sống quý báu trong những câu tục ngữ vô cùng ngắn gọn, hàm súc. Một bài học đầy ý nghĩa lưu giữ và truyền dạy qua câu tục ngữ: “Có công mài sắt có ngày nên kim”
Chân lí ngàn đời cô đọng ở những hình ảnh tượng trưng quen thuộc gần gũi. Ta hãy tưởng tượng: một thanh sắt rắn chắc, cứng cáp, thô sơ được mài giũa trở thành cây kim nhỏ bé hữu ích. Đó là cả một sự cố gắng nỗ lực và kiên trì phi thường. Cây kim tuy nhỏ bé nhưng lại có ích hơn là thanh sắt xù xì, thô ráp kia. Song, để có được thành quả đáng trân trọng này, người thợ đã phải đổ biết bao mồ hôi công sức. Vậy cái gì làm nên sức mạnh giúp người đó hoàn thành công việc khó khăn tưởng như không thể làm nổi? Chính nhờ lòng kiên trì, nhẫn nại, sự bền bỉ cố gắng không mệt mỏi mà cây kim ấy ra đời. Câu tục ngữ mang lời răn dạy, lời khuyên nhủ chân thành mà người đời trước muôn để lại cho người đời sau. Chỉ cần bền chí, giàu nghị lực thì dù việc có khó khăn tới đâu cũng có thể vượt qua và hoàn thành xuất sắc.
Những tấm gương sáng trong thực tế cuộc sống đã chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ. Những người như chúng ta, đầy đủ chân tay thì việc viết chỉ bằng tay không thuận còn là cả vấn đề. Vậy mà thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí vì ham học, đã quyết tâm tập viết chữ bằng chân khi hai tay bị liệt. Con người cần hàng triệu năm để tiến hóa từ vượn thành người và họ cũng mất từng đấy thời gian cho việc sử dụng thành thạo đôi tay trong học tập, lao động. Nhưng Nguyễn Ngọc Kí đã lập nên kì tích, đã tạo ra điều kì diệu ngay giữa cuộc sống đời thường. Những nét chữ đầu tiên thực sự khó khăn. Song với ý chí và nỗ lực phi thường, thầy tiếp tục con đường mình đã chọn. Giờ đây, Nguyễn Ngọc Kí trở thành nhà giáo ưu tú dạy dỗ nhiều thế hệ học trò, là tấm gương quen thuộc với học sinh chúng ta. Đôi bàn chân này làm nhiệm vụ của đôi chân, và của cả đôi bàn tay khéo léo.
Trong lao động, người ta cần nhắc tới đầu tiên chính là nhà bác học Lương Định Của. Mặc dù là nhà bác học, nhưng để lai tạo thành công giống lúa mới có năng suất cao, có khả năng chống được sâu rầy, ông làm việc vất vả cực nhọc không khác gì người nông dân đầu tắt mặt tối. Ngày nào cũng vậy, ông bì bõm dưới ruộng từ tinh mơ sáng tới khi trời tối mịt để quan sát, thí nghiệm. Phải qua vài vụ lúa mới xong một đợt. Cứ thế hết đợt này đến đợt khác, đích thân nhà bác học thực hiện công trình nghiên cứu. Nhờ có sự cố gắng, kiên trì nhẫn nại của ông mà những giống lúa mới liên tiếp ra đời, giống sau tốt hơn giống trước. Vì thế, nhân dân cả nước không những được no ấm mà chúng ta còn tự hào là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới
Đó là những tấm gương về lòng kiên trì bền bỉ ở nước ta. Còn biết bao tấm gương trong chiến đấu, trong thể dục thể thao, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật… ta chưa có dịp nhắc tới. Bên cạnh đó, nhìn ra thế giới, ta thấy vô vàn những tấm gương đáng học tập. Ai cũng biết tới vợ chồng hai nhà khoa học người Pháp Pierre Curie và Marie Curie. Suốt 4 năm ròng rã, họ đã kì công lọc đi lọc lại vô số lần trong 8 tấm quặng để tìm 1/10 gram chất phóng xạ radium. Qua việc phát hiện ra một nguyên tố hóa học, chúng ta mới phần nào hình dung ra sự kiên trì bền bỉ vô cùng mãnh liệt khi nghiên cứu phát minh một thành tựu phục vụ xã hội loài người. Oan – Đi-xnây được cả thế giới biết đến, đặc biệt là các em nhỏ vì sáng tạo ra nhân vật hoạt hình nổi tiếng, sáng lập ra công viên giải trí khổng lồ Đi-xnây-len. Nhà làm phim hoạt hình, nhà kinh doanh tài ba ấy từng bị tòa báo sa thải vì thiếu ý tưởng, từng nếm mùi phá sản bao lần trước khi thành công. Chỉ có lòng kiên nhẫn, bền bỉ mới khiến con người liên tiếp thất bại trở thành những người thành danh khắp thế giới.
Lời khuyên của cha ông là bài học vào đời quý giá. Trước khi bắt tay vào công việc, trước khi từ bỏ ước mơ hoài bão của mình, ta hãy nghĩ tới thanh “sắt” và cây “kim”. Chúng ta phải biết tự rèn luyện ý chí và nghị lực, rèn luyện đức tính kiên trì mới mong đạt tới thành công.
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, “Uống nước nhớ nguồn”
Lòng biết ơn đối với người khác từ xưa đến nay vốn là truyền thống của dân tộc ta. Ông cha ta luôn nhắc nhở, dạy bảo con cháu phải sống ân nghĩa thuỷ chung, đã nhận ơn của ai thì không bao giờ quên. Truyền thống đạo đức đó được thể hiện rõ nét qua câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Đây là một lời giáo huấn vô cùng sâu sắc. Khi ăn những trái cây chín mọng với hương vị ngọt ngào ta phải nhớ tới công lao vun xới, chăm bón của người trồng nên cây ấy. Từ hình ảnh ấy, người xưa luôn nhắc nhở chúng ta một vấn đề đạo đức sâu xa hơn: Người được hưởng thành quả lao động thì phải biết ơn người tạo ra nó. Hay nói cách khác: Ta phải biết ơn những người mang lại cho ta cuộc sống ấm no hạnh phúc như hôm nay.
Tại sao như vậy? Bởi vì tất cả những thành quả lao động từ của cải vật chất đến của cải tinh thần mà chúng ta đang hưởng thụ không phải tự nhiên có được. Những thành quả đó là mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của biết bao lớp người đã đổ xuống để tạo nên. Bát cơm ta ăn là do công lao khó nhọc vất vả “một nắng hai sương” của người nông dân trên đồng ruộng. Tấm áo ta mặc, ngôi nhà ta ở, cả những vật dụng hàng ngày ta tiêu dùng là do sức lao động cần cù, miệt mài của những người thợ, những chú công nhân. Cũng như những thành tựu văn hoá nghệ thuật, những di sản của dân tộc còn để lại cho đời sau hôm nay là do công sức, bàn tay, khối óc của những nghệ nhân lao động sáng tạo không ngừng… Còn rất nhiều, nhiều nữa những công trình vĩ đại… mà ông cha ta làm nên nhằm phục vụ cho con người. Chúng ta là lớp người đi sau, thừa hưởng những thành quả ấy, lẽ nào chúng ta lại lãng quên, vô tâm không cần biết đến người đã tạo ra chúng ư? Một thời gian đằng đẵng sống trong những đêm dài nô lệ, chúng ta phải hiểu rằng đã có biết bao lớp người ngã xuống quyết tâm đánh đuổi kẻ thù… để cho ta có được cuộc sống độc lập, tự do như hôm nay. Chính vì vậy, ta không thể nào được quên những hi sinh to lớn và cao cả ấy.
Có lòng biết ơn, sống ân nghĩ thuỷ chung là đạo lí làm người, đó cũng là bổn phận, nhiệm vụ của chúng ta đối với đời. Tuy nhiên, lòng biết ơn không phải là lời nói suông mà phải thể hiện bằng hành động cụ thể. Nhà nước ta đã có những phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa cho các bà mẹ anh hùng, các gia đình thương binh liệt sĩ. Việc đền ơn đáp nghĩa này đã trở thành phong trào, là chính sách lan rộng trên cả nước. Đây không chỉ là sự đền đáp công ơn đơn thuần mà nó trở thành bài học giáo dục thiết thực về đạo lí làm người của chúng ta. Cho nên mỗi người ai ai cũng cần phải có ý thức bảo vệ và phát huy những thành quả đạt được ấy ngày càng tốt đẹp hơn, có nghĩa là ta vừa là “người ăn quả” của hôm nay, vừa là “người trồng cây” cho ngày mai. Cũng từ đó ta càng thấm thía hiểu được rằng: Cha mẹ, thầy cô cũng chính là người trồng cây, còn ta là người ăn quả. Vì vậy ta cần phải thực hiện tốt bổn phận làm con trong gia đình, bổn phận người học trò trong nhà trường. Làm được như vậy tức là ta đã thể hiện được lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với những người đã hi sinh, thương yêu, lo lắng cho ta. Đây là một việc làm không thể thiếu được ở thế hệ trẻ hôm nay.
Tóm lại, câu tục ngữ trên giúp ta hiểu rõ về đạo lí làm người. Lòng biết ơn là tình cảm cao quý và cần phải có trong mỗi con người. Vì vậy, chúng ta cần phải luôn trau dồi phẩm chất cao quý đó, nhất là đối với cha mẹ, thầy cô… với những ai đã tạo ra thành quả cho ta hưởng thụ. Lòng biết ơn mãi mãi là bài học quí báu và câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” có giá trị và tác dụng vô cùng to lớn trong cuộc sống của chúng ta.